THƯ VIỆN, KHO TÀNG ẨN DẤU SAU NHỮNG CHỮ VIẾT

 Trân trọng chào đón bạn đến với Thư viện của Nhà Ứng Sinh Thánh Phêrô Nguyễn Văn Tự, Gp. Bắc Ninh. Đến với Thư viện, xin bạn đừng bỏ lỡ cơ hội đôi khi liên quan tới cả hạnh phúc của cuộc đời bạn. Hẳn bạn còn nhớ thiên tài quân sự Napoléon, sau khi đã chinh phục được biết bao chiến công lừng lẫy, ông đã tâm sự: không phải những chiến thắng làm cho đời tôi hạnh phúc, nhưng là những cuốn sách.

Bạn cũng có cơ hội tiếp xúc với các cuốn sách khi bạn đặt chân vào Thư viện. Cuộc tiếp xúc này hứa hẹn bao điều kỳ thú mà những dòng giới thiệu sau đây chỉ là vài nét chấm phá mà thôi. Ước mong đơn giản là gợi mở cho bạn niềm say mê đọc sách nghiêm túc. Và khi bạn đã bắt đầu yêu sách, thì chính bạn sẽ là người khám phá ra những kho tàng còn ẩn dấu đàng sau những cuốn sách.

1. Đọc sách, một lựa chọn can đảm.

Giữa thời buổi tràn ngập thông tin hình ảnh, người ta dễ dàng xem truyền hình hàng giờ hơn là đọc sách 15 phút. Bởi đọc sách thì khó hơn và đòi ta phải suy nghĩ. Nhưng bạn biết rồi, chẳng có thành công nào mà không có trả giá. Tới Thư viện mượn sách, nghiên cứu và đọc sách đó là can đảm uốn mình đi vào con đường hẹp. Con đường để mình tự đào tạo, mài dũa. Cổ nhân có câu: ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý - có nghĩa là nếu viên ngọc không được mài dũa, thì nó sẽ chẳng sáng được, một con người không học thì chẳng làm ăn trò trống gì. Tiềm ẩn trong con người của bạn có viên ngọc vô giá, việc đọc sách sẽ là một trong những yếu tố làm cho viên ngọc ấy tỏa sáng.

Nếu bạn đã can đảm tới Thư viện tìm đọc sách, bạn sẽ được bù đắp. Thực ra, đọc sách là bạn đang muốn thực hiện ước mong cháy bỏng sâu kín ở trong chính bạn là muốn phá vỡ giới hạn của mình để đi vào thế giới mới đang tiềm ẩn trong cuốn sách. Khi đi vào thế giới mới ấy, tư tưởng của bạn được nới rộng, bạn được chất vấn và rất nhiều khi đời bạn được đổi thay. Có lẽ, cảm nghiệm được điều này mà nhà học giả Lord Bryron đã phát biểu rất hay: «Một giọt mực có thể làm vạn người suy nghĩ. Một quyển sách hay có thể làm thay đổi số phận biết bao người».

2. Đọc sách, tận dụng cơ hội cống hiến.

Tới Thư viện mượn và đọc sách, thì đó như một cơ hội giúp bạn khám phá ra những chân trời mới[1]. Nói chung, cuốn sách có đó chỉ là dịp tạo ra cơ hội thôi, vẫn còn đó toàn quyền tự do của bạn. Nếu bạn để tâm và tận dụng cơ hội mà tác phẩm cống hiến, thì chính bạn đã đẩy ngưỡng cửa bề ngoài của tác phẩm để đi vào bên trong, gặp gỡ được hồn sống đang ẩn dấu nơi cuốn sách. Chính khi đi vào gặp gỡ hồn của cuốn sách, ấy cũng là lúc ta đi vào hiệp thông với chính khát vọng của tác giả muốn dàn trải trong cuốn sách.

Khi đề cập tới khát vọng, ấy là nói tới năng lực lớn lao cuốn hút và thôi thúc tác giả. Năng lực ấy ở trong tác giả, thành ra tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Cùng lúc, năng lực cảm hứng ấy vượt lên trên con người tác giả, đơn giản vì năng lực cảm hứng ấy lớn lao hơn chính tác giả. Thành ra dù tác giả có thể chết, hoặc tác giả có một đời sống khác với ta, nhưng năng lực cảm hứng kia vẫn còn sống và ẩn chứa trong bản văn. Để rồi khi đọc một tác phẩm, ta có thể gặp gỡ được nguồn cảm hứng kia. Và còn hơn cả nguồn cảm hứng kia nữa, mỗi khi bạn thực sự bước vào thế giới phong phú của tác phẩm, thì cùng lúc bạn được thúc đẩy đi xa hơn nữa: tháp nhập vào dòng chảy để vươn tới tận Nguồn Cảm Hứng.

3. Đọc sách, tham gia vào tiến trình biến đổi.

Vươn tới Nguồn Cảm Hứng ấy là đi ra khỏi thế giới cũ của mình để bắt đầu một tiến trình biến đổi. Biến đổi được hiểu ở đây không phải theo nghĩa một chiều, tức là chỉ phù hợp với những gì bạn thích. Thực ra, đọc một tác phẩm, đôi lúc ta phải đi vào một cuộc đối thoại với óc phê bình. Phê bình có thể làm ta thất vọng, nhưng cũng có thể làm ta thay đổi ý kiến, hoặc được nhìn rộng hơn điều ta đã tìm hiểu. Một cách nào đó, khi ta thay đổi ý kiến, ấy là ta được đổi mới và bắt đầu thực hiện những cuộc vươn mình trở thành của chính bản thân ta. Những biến đổi diễn ra trong nội tâm âm thầm nhưng cũng rất mãnh liệt: như thể chính tâm hồn ta là mảnh đất khô cằn được tưới gội, ta nghe được dư âm cựa quậy của từng thớ hồn mở ra.

Ngoài ra đọc sách còn là cơ hội giúp ta phản tỉnh, tức là nhìn lại chính mình. Mỗi cuốn sách có sức làm thức tỉnh nơi ta những dòng sức sống khác nhau. Điều đó nói lên rằng: chính ở trong sâu thẳm lòng ta đã có sẵn một tiềm năng có thể lãnh hội nội dung cuốn sách; hay nói cách khác, chính ở trong sâu thẳm lòng ta đã có một kho tàng vô giá đang chờ đợi ta khám phá. Chính ta cũng là một cuốn sách hay nhất mà ta chưa từng đọc hết. Có lẽ ta đã đọc một vài lần, nhưng nhiều khi ta chưa có dịp can đảm đọc và sống cho tới cùng.

 Để kết thúc vài hàng giới thiệu Thư viện liên quan tới việc đọc sách, tôi xin được nêu ra kinh nghiệm của chính thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II: «Kinh nghiệm của tôi dạy tôi rằng sự tĩnh lặng và việc nghiên cứu cần thiết cho một giám mục biết chừng nào. Giám mục cần được đào tạo về thần học cách sâu sắc và theo kịp thời đại, và cần quan tâm nhiều hơn tới đời sống trí thức cũng như Lời Chúa. Đó là những kho tàng mà những con người suy tư chia sẻ cho nhau. Vì thế tôi muốn nói đến vai trò của việc đọc sách trong đời sống giám mục của tôi. Tôi cứ phải tự hỏi: đọc cái gì? Và tôi cố gắng chọn những gì thiết yếu nhất. Ngày nay có biết bao ấn phẩm! Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là mọi sách vở đều có cùng một giá trị và cùng mang lại hiểu quả như nhau. Phải biết chọn lựa và hỏi ý kiến xem nên đọc gì[2]».

Không chỉ nhấn mạnh vai trò của việc đọc sách, thánh giáo hoàng còn kết hợp hài hòa giữa việc đọc sách và cầu nguyện: « Khi đọc sách và nghiên cứu, tôi luôn luôn tìm cách kết hợp hài hòa những chiều kích đức tin, lý trí và con tim…Trong mối hỗ tương giữa đức tin, lý trí và con tim, điều tác động mãnh liệt trên tôi đó chính là sự ngỡ ngàng đến từ huyền nhiệm của con người: hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi. Rồi ngỡ ngàng thấy tương quan mật thiết giữa tình yêu và chân lý; ngỡ ngàng thấy huyền nhiệm trao ban sự sống của Suối Nguồi là chính Thiên Chúa ».



[1] Hoặc đôi khi cũng có thể làm cho bạn nhàm chán. Dù nhàm chán, ít nhất bạn cũng biết nhận định rằng tác phẩm ấy không có sức thu hút bạn; hoặc bạn chưa lĩnh hội hết được giá trị của tác phẩm.

[2]Jean Paul II, Levez-vous ! Allons, Plon-Mame, 2004, p. 88-93; Jean Paul II, Ma vocation. Don et Mystère, Bayard Edition, 1997, tr. 102 : « Linh mục trước hết phải là con người cầu nguyện, xác tín rằng thời gian dành để sống thân mật với Chúa chính là thời gian được sử dụng tốt nhất, vì không chỉ hữu ích cho bản thân mà còn cho nhiệm vụ tông đồ của mình ».